Những con số đáng báo động
TheệtNamtrongnhómnướccósốngườihútthuốccaonhấttrênthếgiớridomil goldo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi và 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là do sử dụng thuốc lá. WHO ước tính cứ mỗi 6 giây trôi qua, thuốc lá lại cướp đi mạng sống của 1 người. Tổn thất về kinh tế do thuốc lá gây ra trên toàn thế giới lên tới 1.400 tỉ USD.
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), thuốc lá đang gây ra những hiểm họa khôn lường nếu chúng ta không chung sức hành động ngay từ hôm nay.
Với gần một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành hút thuốc, VN hiện thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới với hơn 40.000 ca tử vong hằng năm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% trường hợp bệnh COPD và 25% trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong đó, ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư ở nam giới. Tại VN, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.
90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá
Theo Bệnh viện K (Hà Nội), 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù có những bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (bao gồm hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Bệnh viện K ghi nhận không ít bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện đồng bộ, môi trường không khói thuốc được thực hiện trên cả nước, không khói thuốc tại nơi công cộng, khu du lịch, công sở và đặc biệt đã quy định những địa điểm cấm tuyệt đối thuốc lá trong nhà như trường học, bệnh viện… Cũng theo báo cáo của quỹ, giai đoạn 2015 - 2023 có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá, với hơn 8.000 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá bên cạnh các thành tựu, phòng chống tác hại thuốc lá hiện còn gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng, hương vị, rất hấp dẫn giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Bên cạnh đó, thuế thuốc lá thấp, giá thuốc lá rẻ, thuốc lá được bày bán khắp nơi là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), lưu ý sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử tăng trong giới trẻ nếu không kiểm soát hiệu quả có thể sẽ có một thế hệ nicotin mới. Đặc biệt, các hóa chất, ma túy trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử là nguyên nhân gây ngộ độc, tàn phá sức khỏe người dùng.
Tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm so với 10 năm trước
Tỷ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 38,9% năm 2023.
Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nhóm 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
(Nguồn: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá)